Phân biệt Nám má tàn nhang với các bênh lý sắc tố da – lầm tưởng

Nám má là 1 bệnh lý về sắc tố da, tuy nó không gây hại về sức khỏe nhưng lại làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sự tự tin. Có rất nhiều kiểu hình thái lâm sàng về rối loạn sắc tố da. Khiến chung ta lầm tưởng rằng đó là Nám má. Vì vậy chúng ta cần chẩn đoán phân biệt Nám má với các bệnh lý rối loạn sắc tố khác. Để có một định hướng đúng trong việc sử dụng và phối hợp các phương pháp điều trị. Để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Hình thái lâm sàng:

Rám má có thương tổn cơ bản là các dát tăng sắc tố màu nâu , nâu đen , xanh đen. Màu sắc có thể đồng đều, có thể không, ranh giới tổn thương không đều và thường  có tính chất đối xứng. Tổn thương nhẵn, không có vảy, không ngứa, không đau. Tổn thương thường khu trú 2 bên gò má, thái dương, mũi, trán, quanh miệng.

Đôi khi tổn thương còn xuất hiện ở cánh tay trên. Các dát sắc tố này cũng tăng đậm về mùa xuân hè, có giảm về mua thu đông. Bệnh xuất hiện ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, phụ nữ gặp nhiều hơn. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi hai mươi và tuổi tiền mãn kinh. Nhưng đôi khi tổn thương xuất hiện trước cả khi dậy thì. Và đôi khi cũng có những người đến tận 50 – 60 tuổi mới xuất hiện.

Các thể lâm sàng nám má

Theo mức độ nám má

Thể nhẹ : Tăng sắc tố nhẹ và tổn thương khu trú ở 2 bên gò má.

Trung bình : tăng sắc tố đậm hơn, tổn thương khu trú ở 2 bên gò má, bắt đầu lan ra các vị trí khác

Thể nặng: Tăng sắc tố đậm, tổn thương lan rộng, tổn thương lan rộng ra cả thái dương và mũi.

Và Thể rất nặng : Tăng sắc tố rất đậm, tổn thương lan tỏa ở mặt. Ngoài ra còn có thể xuất hiện ở cánh tay trên.

Theo vị trí tổn thương nám má

  • Rám má thượng bì :  chủ yếu là các dát màu nâu, vàng nâu, ranh giới rõ ràng, đối xứng 2 bên. Hay gặp ở vùng má, trán và cằm, đáp ứng tốt với các thuốc bôi tại chỗ và peel nông
  • Rám má trung bì : tổn thương khu trú hoàn toàn trung bì,hay gặp hơn rám má thượng bì. Tổn thương là dát tăng sắc tố màu nâu xám, ranh giới thường không rõ, đối xứng ở má, trán, cằm
  • Rám má hỗn hợp : tổn thương khu trú ở cả thượng bì và trung bì. Trên lâm sàng các dát tăng sắc tố có màu không đồng đều. Có vùng, chỗ vàng nâu, chỗ nâu đen, xanh đen xen kẽ nhau

 Chẩn đoán phân biệt nám má với các loại tổn thương

Phân biệt nám má với bớt ota :

Tăng sắc tố trong bớt Ota là do tế bào hắc tố bị kẹt ở trung bì. Từ đó sản xuất melanin ở trung bì mà không tới được thượng bì. Chúng xuất hiện từ trong quá trình phát triển bào thai

Đặc điểm bớt Ota

Bớt Ota thường biểu hiện là các dát kích thước khác nhau từ đầu đinh gim đến vài minimeter. Các dát này có thể liên kết với nhau thành mảng dát lớn. Mỗi dát này có hình dạng tròn, oval hoặc răng cưa. Trong khi nhìn tổng thể tổn thương là dát màu sắc lốm đốm, giới hạn không rõ, bờ không đều, đôi khi hơi trộn lẫn với da xung quanh.

Nói chung kích thước toàn bộ tổn thương từ vài centimeter tới rộng hơn chiếm gần toàn bộ nửa mặt. Màu sắc cũng đa dạng từ màu nâu vàng, nâu, nâu xám, xanh lam, đen và tía (đỏ và lam trộn lẫn). Chủ yếu là màu nâu, nâu đen và xanh đen

Tổn thương thần kinh bớt Ota

Tổn thương thường phân bố một bên và theo hai nhánh trên của dây thần kinh sinh ba (dây V). Các vùng hay bị xuất hiện tổn thương là vùng quanh mắt, thái dương, trán, gò má, dái tai, trước và sau tai, mũi, và kết mạc.  Biểu hiện đặc trưng có thể gặp trong 2/3 các trương hợp bệnh. Có thể là xuất hiện ở vùng lòng trắng của mắt cùng bên.

Ota vùng mắt và củng mạc

Hiếm khi bớt Ota xuất hiện ở giác mạc, mống mắt, đáy mắt, mỡ sau hốc mắt, xương hốc mắt, võng mạc, dây thần kinh thị giác. Nhiễm sắc tố mống mắt và tăng nhãn áp đã được báo cáo, nhưng thị lực thường không ảnh hưởng. Một số vị trí khác hay gặp như tai giữa (55%), niêm mạc mũi (28%), hầu họng (24%) và vòm miệng (18%). Thỉnh thoảng các vùng như ống tai ngoài, hàm dưới, môi, cổ, và ngực có được ghi nhận. Khoảng 5-13% các trường hợp, tổn thương xuất hiện hai bên, kết hợp với bớt người mông cổ. 

Phân biệt nám má với bớt hori: 

Bớt Hori hay còn gọi là nám đốm, là bệnh tăng sắc tố da mắc phải mắc phải. Ở người phương Đông do hoạt hóa tế bào sắc tố bởi nhiều nguyên nhân khác nhau: tia UV, hormon, viêm…. Bệnh khởi phát sớm 94,5 % sau 11 tuổi ở vùng mặt. Vết nám có màu nâu sữa, hình thành từng đốm tròn triêng biệt, kích thước bằng hoặc nhỏ hơn đầu đũa một chút. Có khi liên kết với nhau nhưng vẫn nhìn rõ từng đốm riêng biệt. Nằm đối xứng  hai bên chủ yếu ở gò má có thể lan ra 2 má . Ít khi xuất hiện ở vùng thái dương, sống mũi và cánh mũi 2 bên. Sinh bệnh học là do các tế bào melanocytes tăng sản xuất melanin tích tụ lại và rơi xuống lớp trung bì

Bệnh Điều trị thuốc bôi hầu như không có tác dụng. Điều trị chủ yếu phải có sự can thiệp của laser

Phân biệt với tàn nhang : 

Là các điểm, các đốm hình đa giác không đều kích thước nhỏ hơn 0.5 cm. Thường tăng tập trung sắc tố trên bề mặt da, không có kèm theo tăng sinh các tế bào sắc tố. Bệnh hay gặp ở người da trắng,và xuất hiện ở những vùng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời ,thường xuất hiện trước 3 tuổi.

Nguyên nhân có thể là do di truyền trội trên nhiễm sắc thể. Số lượng tế bào sắc tố thì bình thường nhưng chúng hoạt động mạnh hơn. Các tổn thương tàn nhang không phát triển,  không có xu hướng sừng hóa. Tuy nhiên có thể phát triển với các tổn thương mới, vị trí chủ yếu hay gặp là ở mặt, cổ ,cánh tay . Chống nắng là biện pháp hữa hiệu cho điều trị tàn nhang.

Phân biệt với đồi mồi : 

Các đốm đồi mồi (lentigo senilis hay lentigo solaris) là một dạng của các đốm sắc tố. Nó là kết quả của sự tăng sản của tế bào sừng và tế bào sắc tố với sự tích lũy melanin trong tế bào sừng.

Vị trí ở tay, mặt, các vùng vai ngực hở hoặc các vùng thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời . Các đốm đồi mồi thường là các mảng da tối màu, nhỏ, và dẹt (thường là từ nâu nhẹ cho đến đen). Ban đầu đường kính của chúng nhỏ hơn 5 mm . Qua nhiều năm những đốm này tăng trưởng cả về số lượng lẫn kích thước. Nhiều điểm hợp nhất với nhau tạo thành những đốm lớn.

Chúng có xu hướng xuất hiện ở các vùng da tiếp xúc nhiều nhất với mặt trời, như là mu bàn tay, mặt, cẳng tay, trán và vai. Sự xuất hiện các đốm sắc tố này thường làm bệnh nhân ngượng ngùng, đặc biệt nó thường đi kèm với lão hóa. Nguyên nhân có thể do sự lão hóa của da và do sự tác động của ánh sáng mặt trời.

Phân biệt với các dát tăng sắc tố sau viêm : 

Tăng sắc tố sau viêm là tình trạng tăng melanin ở da do phản ứng viêm. Xảy ra sau các bệnh da khác nhau, kích thích ngoại sinh và các thủ thuật da. Làm xuất hiện các dát tăng sắc tố tại các nơi có tổn thương . Có 2 loại tổn thương sắc tố sau viêm :

  • sắc tố nông ( thượng bì) : 
  • Dát màu nâu, nâu đen hay đen 
  •  Có thể tự hết sau vài tháng hoặc vài năm nếu không điều trị gì
  • Nhìn rõ dưới ánh sáng đèn wood
  • sắc tố sâu ( trung bì )
  • Dát màu xanh xám
  • Có thể tồn tại vĩnh viễn hoặc tự hết sau một thời gian rất dài nếu không điều trị gì
  • Không nhìn rõ dưới ánh sáng đèn wood

Tổng kết phân loại nám má – tàn nhang

Có rất nhiều các bệnh lý rối loạn sắc tố da. Cần được thăm khám kỹ lưỡng để chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân phù hợp. Từ đó sẽ có giải pháp với mỗi Case. Nhắm đạt được hiệu quả và sự cải thiện nhất cho bệnh nhân.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *